Chọn nghề và chọn ngành - Phần 3: Làm gì khi đã xác định được nghề nghiệp mong muốn?

Chọn được nghề chỉ mới là bước khởi đầu sự nghiệp của bạn. Chắc chắn, để thành công trong sự nghiệp, bạn cần phải vượt qua một chặng đường đầy chông gai và thử thách phía trước.  Vậy, nếu đã xác định được nghề nghiệp mong muốn, tiếp theo bạn nên làm gì trong 4 - 5 năm đại học để không lãng phí khoảng thời gian này? Làm gì để bạn có thể phát triển nhanh hơn và đi trước so với thị trường chung? Hãy tham khảo những gợi ý dưới đây.

Chọn được nghề chỉ mới là bước khởi đầu sự nghiệp của bạn. Chắc chắn, để thành công trong sự nghiệp, bạn cần phải vượt qua một chặng đường đầy chông gai và thử thách phía trước.  Vậy, nếu đã xác định được nghề nghiệp mong muốn, tiếp theo bạn nên làm gì trong 4 - 5 năm đại học để không lãng phí khoảng thời gian này? Làm gì để bạn có thể phát triển nhanh hơn và đi trước so với thị trường chung? Hãy tham khảo những gợi ý dưới đây.

Vạch ra lộ trình nghề nghiệp (career road map) cho bản thân


Ngay sau khi xác định được nghề nghiệp mong muốn, bạn hãy vạch ra một lộ trình phát triển sự nghiệp cho bản thân. Lộ trình này bao gồm 4 bước sau:


Bước 1: Liệt kê các công ty lớn trong ngành mà bạn muốn làm việc. Ví dụ, bạn muốn làm việc trong ngành marketing truyền thông, sau khi tìm kiếm trên Google, bạn sẽ biết được một số công ty lớn trong ngành có mặt tại Việt Nam như: Lux Marketing, Ogilvy & Mather, Dentsu,  DNA Digital, ... Đây thường là nơi có những chính sách lương bổng và quyền lợi tốt nhất cho nhân viên. Và cũng chính tại những công ty này, bạn sẽ được gặp gỡ những người giỏi nhất trong ngành nghề mà bạn mong muốn được làm. 


Bước 2: Tìm hiểu sơ đồ tổ chức công ty, bộ phận bạn muốn làm việc để nắm rõ vị trí công việc của mình sẽ thuộc đơn vị nào, chức năng của đơn vị đó ra sao. Bạn sẽ dễ dàng tìm kiếm được những thông tin này trên website của các công ty lớn trong ngành.


Bước 3: Đọc bản mô tả công việc (job description) để biết yêu cầu công việc và mức lương được chi trả. Thông thường bạn có thể tìm kiếm trực tiếp những thông tin này trong mục tuyển dụng - nghề nghiệp trên chính website của công ty. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tìm đọc thêm trên một số trang tuyển dụng lớn tại Việt Nam như vietnamworks, careerlink, … để có cái nhìn toàn cảnh về thị trường lao động.


Bước 4: Kiểm tra mức lương và tên gọi vị trí công việc bạn muốn làm. Cuối cùng, bạn hãy xem kỹ trên cả website của công ty cũng như trang thông tin tuyển dụng, mức lương công việc bạn muốn làm là bao nhiêu, tên gọi là gì, sau đó so sánh với các công ty khác trong ngành. Đây là bước quan trọng nhất giúp bạn biết được mục tiêu tương lai có thật sự giống với suy nghĩ của bản thân hay không. 


Tại sao cần phải tìm hiểu kỹ mức lương công việc?


Ở thời điểm bạn xác định được nghề nghiệp mong muốn, có thể bạn chọn theo học ngành đó vì có mức lương cao. Không chỉ dừng lại ở việc “biết” mức lương mà bạn cần phải “hiểu rõ” mức lương đó tương xứng với yêu cầu công việc và số năm kinh nghiệm như thế nào. Bạn cũng cần đọc nhiều hơn để biết mức lương khởi điểm của công việc bạn mong muốn làm là bao nhiêu, so với các ngành nghề khác thì như thế nào và trong bao lâu bạn có thể đạt được mức lương mong muốn? 


Ví dụ, bạn muốn làm nhân viên marketing vì nghề này mang lại thu nhập cao, nhưng khi so với ngành khác như tài chính, ngân hàng hoặc đầu tư, mức lương của nghề marketing có thể không cao bằng ở cả thời điểm sau khi mới ra trường và sau một thời gian làm việc trong ngành. Tuy nhiên, ở một số vị trí công việc khác cũng trong lĩnh vực marketing, mức thu nhập có thể cao hơn khi bạn tích lũy được nhiều năm kinh nghiệm hơn. Và sẽ không dễ dàng gì để có được kinh nghiệm cùng mức lương mong muốn, một điều chắc chắn là bạn sẽ phải luôn nỗ lực, cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.


Bên cạnh đó, bạn cũng cần tìm hiểu sự chênh lệch mức lương giữa các thị trường lao động với nhau (đó có thể là mức lương giữa những thành phố trong cùng một quốc gia, hoặc giữa các quốc gia trong cùng khu vực hoặc khác khu vực). Ví dụ, cùng vị trí quản lý thương hiệu nhưng mức lương sẽ dao động trong khoảng từ 500$ - 700$ giữa 2 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.


Việc tìm hiểu thật kỹ mức lương công việc sẽ cho bạn góc nhìn thực tế hơn về công việc trong tương lai, từ đó sẽ đặt ra những mục tiêu phù hợp và rèn luyện những kỹ năng cần thiết để đạt được mục tiêu này. 


Xây dựng giải pháp phát triển sự nghiệp mà bạn đã chọn bằng cách nào?


Vậy sau khi lộ trình nghề nghiệp đã được vạch ra rõ ràng, bạn cần phải chuẩn bị, tích lũy kiến thức và kỹ năng như thế nào để đáp ứng với yêu cầu công việc và công ty đặt ra?


Tham gia các lớp học, khóa đào tạo định hướng để được trải nghiệm công việc sớm hơn, hiểu công việc bạn sẽ làm trong tương lai: Tại một số trường đại học, ngay từ năm đầu đại học, bạn đã có thể đăng ký tham các lớp đào tạo định hướng, các buổi hội thảo, workshop chia sẻ về ngành nghề để giúp các bạn sinh viên sớm nắm bắt công việc trong kỳ thực tập cũng như thực tế sau khi ra trường. Kết hợp cùng đọc sách, tài liệu giáo trình, các khóa đào tạo định hướng là cơ hội để bạn được trực tiếp thực hành và trải nghiệm công việc.


Tìm người hướng dẫn và đồng hành cùng bạn xuyên suốt trên chặng đường phát triển sự nghiệp: Thông qua những hội thảo, workshop, lớp học định hướng, bạn có thể gặp gỡ những người giỏi trong ngành và trở thành người hướng dẫn, tư vấn cho bạn về những bước nên làm tiếp theo để phát triển sự nghiệp. Hãy nhớ rằng, hướng nghiệp không chỉ diễn ra 1 lần vào lúc bạn chọn ngành nghề để học đại học. Thực tế, hướng nghiệp là cả một chặng đường mà trên chặng đường đó, bạn sẽ luôn cần đến một người thầy, người hướng dẫn đồng hành cùng bạn, để chỉ dẫn cho bạn về nghề nghiệp và phát triển chuyên môn.  


Xây dựng lộ trình cá nhân khi bước vào đại học: Mỗi người sẽ có điểm khởi đầu khác nhau. Thấu hiểu bản thân, biết rõ điểm xuất phát của mình ở vạch nào, từ đó xây dựng lộ trình phát triển cá nhân ngay khi bước vào giảng đường đại học sẽ giúp bạn bồi đắp những kỹ năng còn thiếu, phục vụ sự nghiệp tương lai. Ví dụ, bạn muốn được làm nhân viên marketing trong một công ty đa quốc gia vì đó là công việc mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, bạn biết kỹ năng ngoại ngữ mình còn yếu, vì vậy, ngay khi học đại học, bạn bắt đầu lập kế hoạch học tiếng Anh và nghiêm túc thực hiện kế hoạch này. Đăng ký lớp học tiếng Anh, tham gia các câu lạc bộ ngoại ngữ, các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện có sử dụng tiếng Anh, … là cách bạn trau dồi trình độ ngoại ngữ, rèn luyện sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, làm việc trong môi trường đa quốc gia sau này.


Quan Dinh Writer và nhóm cộng tác viên

Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau và phản ánh quan điểm riêng của nhóm tác giả

Comments

Have any query? Share with me

Name

Email *

Message *