Chọn nghề và chọn ngành - Phần 1: Nếu chọn nghề trước?

Trong những ngày giữa tháng 3, khi mùa thi đã cận kề, nhưng bạn vẫn loay hoay chưa biết đâu là nghề nghiệp bản thân mong muốn được làm trong tương lai. Sự thật là không phải ai cũng sớm xác định được nghề nghiệp phù hợp với sở thích, đam mê và năng lực của bản thân ngay từ khi còn học phổ thông để có thể chọn ngành học và theo đuổi phát triển sự nghiệp đó khi học đại học.

Đừng quá lo lắng, chúng mình sẽ chia sẻ với bạn những ưu - nhược điểm khi chọn nghề trước, cách chọn được nghề và những điều bạn cần làm sau khi đã chọn được nghề.


Đừng quá lo lắng, chúng mình sẽ chia sẻ với bạn những ưu - nhược điểm khi chọn nghề trước, cách chọn được nghề và những điều bạn cần làm sau khi đã chọn được nghề.

Ưu - nhược điểm của chọn nghề trước


Ưu điểm: Nếu chọn được nghề trước, bạn sẽ chọn được ngành học và trường học phù hợp. Ví dụ, nếu bạn muốn trở thành nhà báo, chắc chắn bạn sẽ chọn học ngành báo chí. Khi đó, những năm tháng trên giảng đường là khoảng thời gian để bạn có thể phát triển các kỹ năng chuyên môn phục vụ cho công việc này trong tương lai. Càng xác định nghề nghiệp sớm bao nhiêu, bạn càng có thêm thời gian để xây dựng bước đi vững chắc cho sự nghiệp bấy nhiêu, đồng thời rút ngắn được thời gian phát triển công việc chuyên sâu.  


Nhược điểm: Nếu trong quá trình học đại học hoặc sau khi tốt nghiệp ra trường, bạn phát hiện nghề nghiệp đã chọn cùng ngành đào tạo lại không phải là công việc bạn muốn làm, bạn sẽ không biết được bước tiếp theo mình phải làm gì. Ví dụ, bạn thích được làm việc trong ngân hàng nên đã chọn học ngành tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, đến khi ra trường, bạn lại thấy thích trở thành nhân viên marketing truyền thông. Vậy bạn phải làm thế nào để bắt đầu công việc này trong khi các nhà tuyển dụng lại yêu cầu bạn phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm? Bạn cần phải biết rằng có một số yếu tố có thể khiến bạn thay đổi nghề nghiệp yêu thích như do môi trường, công nghệ thay đổi; truyền thông xã hội tác động và nhiều ngành nghề mới xuất hiện. Lúc này, con đường sự nghiệp của bạn có thể phải bắt đầu lại từ đầu.


Liệu bạn có theo đuổi một nghề nghiệp đã chọn suốt đời không?


Thực tế là, bạn có thể sẽ không theo đuổi nghề đã chọn cả đời, nhất là trong bối cảnh môi trường thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Tại sao lại như vậy?


Trong thời gian gần đây, khái niệm “sự nghiệp không biên giới” (borderless career) xuất hiện và trở nên phổ biến. Với sự nghiệp không biên giới, bạn có thể có một công việc toàn thời gian từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều và một công việc bên cạnh khác (side job). Ví dụ, bạn có thể đi làm công việc văn phòng vào ban ngày và làm pha chế, ca sĩ, … vào ban đêm. 


Hoặc sau một thời gian theo đuổi nghề nghiệp đã chọn trước đó, có thể từ 3 - 5 năm, hoặc có thể lên đến 10 năm, bạn phát hiện bản thân đam mê một lĩnh vực khác và bắt đầu theo đuổi một sự nghiệp mới, gầy dựng và phát triển nó. 


Tuy nhiên, cần lưu ý là chúng ta đều cần có một nghề nghiệp để được trả lương, để sống và có điều kiện kinh tế để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Vì vậy, nếu bạn chọn nghề trước, bạn sẽ có thời gian để phát triển vững chắc hơn so với bạn bè đồng trang lứa.


Chọn nghề trước bằng cách nào?


Để chọn được nghề trước và từ đó có thêm thời gian phát triển sự nghiệp vững chắc, trước tiên bạn cần tìm hiểu cách thức chọn nghề. Hiện nay, có nhiều mô hình hướng nghiệp được chia sẻ để giúp bạn tìm ra nghề nghiệp phù hợp với bản thân. 


Một trong những mô hình được biết đến nhiều nhất gần đây là mô hình hướng nghiệp Ikigai của người Nhật. Mô hình này được đánh giá là phù hợp với học sinh, sinh viên các nước khu vực châu Á trong việc tìm kiếm, xác định nghề nghiệp bản thân. Tập hợp các yếu tố bao gồm những gì bạn giỏi, bạn thích, xã hội cần và mang đến thu nhập cao cho bạn, chính là “nghề nghiệp trong mơ của bạn”. 


Ngoài Ikigai, mô hình Holland Code cũng đã và đang được một số trường tiểu học và trung học quốc tế tại Việt Nam áp dụng. Mô hình này là một bộ mã chia con người thành 6 nhóm tính cách khác nhau bao gồm: thực tế (realistic), điều tra (investigative), nghệ sĩ (artistic), xã hội (social), dám nghĩ dám làm (enterprising) và quy tắc (conventional). Mô hình này được Bộ Lao động Hoa Kỳ sử dụng để giúp người dân Hoa Kỳ lựa chọn nghề nghiệp tốt hơn.


Những điều cần làm sau khi đã chọn được nghề nghiệp mong muốn


Vậy sau khi đã chọn được nghề bạn nên làm gì để phát triển sự nghiệp của mình trong tương lai, phải làm gì trong 4 - 5 năm đại học để không lãng phí khoảng thời gian quý báu của tuổi trẻ này.


Đúc rút từ kinh nghiệm của các chuyên gia, điều đầu tiên mà bạn cần làm sau khi đã chọn được nghề, đó là hãy bắt tay ngay vào việc vạch ra một lộ trình, con đường phát triển sự nghiệp. Lộ trình này bao gồm các nhiệm vụ, từ việc liệt kê những công ty lớn trong ngành mà bạn muốn làm việc, tìm hiểu sơ đồ tổ chức công ty, các bộ phận chức năng, đến đọc bản mô tả công việc và kiểm tra mức lương tương ứng với tên gọi vị trí công việc bạn mong muốn được đảm nhận.


Sau khi con đường sự nghiệp được vạch ra rõ ràng, để tích lũy dần những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc trong tương lai, bạn hãy nhanh chóng tìm kiếm những lớp học, khóa đào tạo định hướng để được “va chạm” trực tiếp trong nghề. Cùng với sách, tài liệu, giáo trình, những buổi workshop, hội thảo chuyên sâu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nghề nghiệp mà bạn đã chọn. Đây cũng là dịp để bạn gặp gỡ, tìm kiếm cho mình một người thầy, người hướng dẫn đồng hành cùng bạn xuyên suốt trên con đường sự nghiệp của bạn. Cuối cùng, khi cánh cửa đại học đã rộng mở chào đón bạn, hãy bắt đầu xây dựng một lộ trình học tập, rèn luyện cá nhân để hiện thực hóa ước mơ của bạn.


Nếu chọn nghề trước, bạn có thể sẽ có được lợi thế hơn bạn bè đồng trang lứa khi bạn tập trung dành khoảng thời gian học đại học để tích lũy kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc phát triển sự nghiệp. Vì vậy, hãy sáng suốt và suy nghĩ thật kỹ khi lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực bản thân!


Quan Dinh Writer và nhóm cộng tác viên


--

Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau và phản ánh quan điểm riêng của nhóm tác giả

Comments

Have any query? Share with me

Name

Email *

Message *